Phòng, chống lây nhiễm HIV cho thanh niên, sinh viên và công nhân Đồng Tháp
Vừa qua. Sở Y tế Đồng Tháp phối hợp với Dự án USAID/PATH STEPS tổ chức họp kỹ thuật tham vấn về hoạt động phòng, chống HIV (PC HIV) cho thanh niên, sinh viên và công nhân Đồng Tháp năm 2024. Tham dự cuộc họp có DS.CK1. Lâm Thị Ngọc Kim - Phó Giám đốc Sở Y tế, ThS. Trần Thị Thắm - Phó Giám Đốc Dự án USAID/PATH STEPS, BS.CK2. Phan Thanh Tùng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC).
Cùng dự, có đại diện Tỉnh Đoàn Đồng Tháp, Liên đoàn Lao động Tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quan lý các khu công nghiệp, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Cao đẳng Cộng động, đại diện Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS của 12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố cùng cán bộ phòng khám PrEP trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
DS.CK1. Lâm Thị Ngọc Kim - Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại cuộc họp
Trong bối cảnh nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa và tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Thì công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS là rất quan trọng với thanh niên, sinh viên và công nhân. Việc trang bị những kiến thức cơ bản để phòng tránh lây nhiễm HIV, giúp nhóm đối tượng này hiểu rõ hơn về các dịch vụ, tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng, can thiệp giảm tác hại…là những vấn đề ưu tiên trong chương trình phòng, chống HIV thời gian tới.
Báo cáo tại cuộc họp, BS.CK1. Nguyễn Ngọc Qúy – Phó Khoa phòng, chống HIV thuộc CDC Đồng Tháp cho biết: từ năm 2022 đến nay, CDC đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông PC HIV trong cộng đồng cũng như tại các trường học, cụ thể: thực hiện khảo sát kiến thức, thái độ, hành vi PC HIV trong nhóm học sinh, sinh viên các trường định kỳ 2-3 năm/lần; thiết lập mạng lưới tiếp cận viên PC HIV tại các trường cao đẳng và đại học; phối hợp nhà trường tổ chức thực hiện truyền thông thay đổi hành vi liên quan đến HIV/AIDS; tổ chức sinh hoạt đầu khó cho các sinh mới về chuyên đề PC HIV; tổ chức các sự kiện truyền thông, quảng bá, tạo cầu về các dịch vụ phòng, chống HIV… Ngoài ra BS.CK1. Nguyễn Ngọc Qúy cũng cho biết thêm, công tác truyền thông phòng, chống HIV trong thời gian qua được thực hiện tốt, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn như: Tiến độ đào tạo, hướng dẫn triển khai hoạt động cho đội ngũ mới còn chậm, chưa kịp thời, đúng tiến độ; Năng lực trong nhóm tiếp cận viên không đồng đều, thay đổi hàng năm do nhóm cũ ra trường, nhóm mới vào…; Việc thực hiện được hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ tại các khu công nghiệp, công ty, nhà máy cho công nhân, lao động nhập cư…cũng còn hạn chế
Tại cuộc họp các đại biểu được nghe chia sẻ những bài học kinh nghiệm, khó khăn và thuận lợi của dự án USAID/PATH-STEPS, các doanh nghiệp xã hội, phòng khám trong hoạt động truyền thông về HIV cho thanh niên, sinh viên và công nhân, theo chia sẻ của đại diện dự án USAID/PATH-STEPS để hoạt động truyền thông phòng, chống HIV cho thanh niên, sinh viên và công nhân được thực hiện tốt, cần: huy động sự tham gia của nhiều đối tác (Sở Y tế/CDC, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban giám hiệu, Đoàn trường, Hội sinh viên, Quản lí công ty/nhà máy/khu công nghiệp, các phòng khám/DNXH/nhóm cộng đồng…) để cùng thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên, sinh viên, và công nhân; Thiết kế chiến dịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của từng nhóm khách hàng. Cần có sự tham gia của cộng đồng để chiến dịch trở nên thân thiện, thú vị và lan tỏa hơn nữa; Cung cấp dịch vụ dự phòng HIV trực tiếp tại các sự kiện/các địa điểm thuận tiện cho khách hàng để khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu, tiêu biểu là dịch vụ PrEP lưu động và tự xét nghiệm HIV.
Cũng tại buổi họp các đại biểu tiến hành thảo luận và chia sẻ một số nội dung. Theo đó hàng năm các đơn vị có tổ chức các hoạt động về chăm sóc sức khỏe, nhưng chủ yếu là các hoạt động về chăm sóc sức khỏe sinh sản…và một số hoạt động y tế khác, còn các hoạt động phòng chống HIV tại các đơn vị chủ yếu là lồng ghép vào các chương trình, chủ đề sức khỏe, chưa có chủ để riêng biệt và cụ thể. Đồng thời các đơn vị cũng bày tỏ mong muốn sự hợp tác, hỗ trợ từ CDC cũng như các đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS.
Toàn cảnh cuộc họp
Kết thúc cuộc họp, BS.CK2. Phan Thanh Tùng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật gửi lời cảm ơn tới Dự án USAID/PATH STEPS đã quan tâm, hỗ trợ Đồng Tháp trong trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong thời gian tới ngành Y tế Đồng Tháp sẽ cố gắng đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa các bàn ngành trong hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.
Hồ Tiến - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp